3 tuổi thì áp lực vì bạn đồng lứa đã biết tự chùi đ.í.t.
30 tuổi thì áp lực vì bạn đồng lứa đã thành công
60 tuổi thì áp lực vì bạn đồng lứa con cháu đề huề
90 tuổi thì áp lực vì bạn đồng lứa có quan tài đẹp hơn.
Gần đây vấn đề về Peer Pressure đang nổi lên rất đau lòng và nhức nhối. Có những vụ việc thương tâm mà cả người đi rồi, người ở lại chắc sẽ ân hận mãi về sau. “1 tháng 4 như một trò đùa”…
Từ nhỏ tôi đã nổi tiếng là “lười”, con trai mà vóc dáng còm nhom, nhà tôi là nhà lao động nữa, ba với anh làm dữ lắm. Hồi rảnh tôi thường đọc sách, chơi game, nghiên cứu trời trăng. Tôi sống trên mây dữ lắm. Mẹ với chị hay thúc tôi làm việc nhà, tôi né miết.
Chỗ gần nhà có mấy bạn trạc tuổi, siêng năng, tháo vát, việc nhà cửa mấy bạn làm đâu ra đó. Có bạn nữ nhỏ hơn tôi còn đi cạo mủ cao su, chở mủ đi bán, việc đấy tôi con trai mà còn không làm được. Mẹ với ba thường lấy bạn làm hình mẫu so sánh với tôi, cay vãi chưởng.
Người ta nói đi một ngày đàng học một sàng khôn quả chẳng sai. Tui trốn nhà đi chơi miết, qua nhà mấy bạn được khen, ba mẹ mấy bạn than thở: “Phải chi thằng A, con B học giỏi như con…”. Nghe khoái liền, từ đó tôi chai lì hơn với việc bị so sánh với người khác vì tôi hiểu điểm mạnh của mình là gì. Có những chiến trường mình đánh sẽ chắc chắn thua, thôi thì bỏ. Có vẻ hồi nhỏ nhờ ngây thơ mà miễn nhiễm được, có thêm tí tuổi đầu áp lực ghê, lát kể.
Bắt đầu chơi Facebook độ năm 2013, bị nghiện mạng xã hội lúc nào không hay. Nhờ có Facebook, Zalo, Instagram,… mà tôi còn giữ được liên lạc với nhiều bạn bè lâu ngày không gặp, tôi biết cuộc sống mọi người ra sao. Ai cũng tốt đẹp, ai cũng thành công. Tui buồn. Nhiều lúc cảm thấy áp lực lắm với bạn bè mình, bằng tuổi mà nó đã thế này, thế kia còn mình….
Ở thời đại của ba mẹ tôi, bạn bè lâu ngày có dịp đám tiệc mới gặp gỡ. Bạn đồng trang lứa của ba mẹ mỗi người một nơi khi thấy nhau mừng lắm, có lẽ chăng nhờ vậy mà ai cũng hạnh phúc hơn tôi bây giờ. Tôi vừa so sánh rồi đấy, ba mẹ cũng có áp lực riêng, có cái chôn giấu, có cái gửi qua tôi để con trai “phát triển bản thân”.
Comparison is the losing battle – so sánh là dỡ rồi
Vậy là tại mạng xã hội gây ra việc này, ôi không, chính là tôi đó, chính tôi tự tạo áp lực cho mình. Có vẻ như càng trưởng thành hơn ta lại thường xuyên tự đặt mình vào thế khó, tự mang mình đi so sánh với người khác. Ở tuổi mà ba mẹ hết có thể mang người khác ra để tạo sự ganh đua cho tôi, tôi lại tự mình làm điều đó, lạ ghê.
Mọi so sánh đều là khập khiễng
Sau này có con, tôi hứa nó sẽ được là chính mình. Không có đứa con nhà người ta nào có thể so sánh với nó. Tôi không muốn cảm giác ghen tị, tự ti, tức giận ngày ấy của mình lại ùa về tâm hồn trẻ thơ của con.
Con tôi sẽ được dạy rằng, đừng lấy bản thân mình đem đi so sánh với bất kỳ ai. Vì mỗi người chúng ta là một điều đặc biệt và duy nhất. Con có cuộc sống, lựa chọn riêng, việc đặt mình lên bàn cân với người khác chỉ mang lại cảm giác thất vọng về bản thân, thấy xã hội tiêu cực đầy rẫy bất công, thấy ai ai cũng may mắn hơn mình.
Không thể chối bỏ, cuộc sống vốn không công bằng, có người sinh ra đã ở vạch đích, tài năng thiên bẩm,… Vậy thì đã sao, cái đỉnh của người này không là cái đinh gì của người khác, vì bất công là bản chất của xã hội này. Chúng ta không thể thay đổi quy luật cuộc chơi, ta chỉ có thể chơi theo cách của mình. Cố gắng phát triển bản thân từng ngày, ngừng đón nhận những cảm giác tiêu cực từ thành công của người khác. Mọi người tin rằng áp lực sẽ tạo nên kim cương, nhưng hãy nhìn quanh mình đi mấy thứ được làm bằng kim cương. Đồng, nhôm, kẽm, thép đều có giá trị của riêng nó nếu được sử dụng đúng mục đích mà,…phải không?
Cẩn trọng khi dùng mạng xã hội
Thế giới ảo không còn ảo nữa rồi, rất nhiều điều đã đi sâu vào đời sống thực. Mạng xã hội như một hành tinh mà ở đó điều tốt và xấu xen kẽ lẫn nhau và nó cũng là khởi nguồn của những đố kỵ, soi mói, khiến ta khó kiểm soát được luồng suy nghĩ tiêu cực, không ngừng so sánh bản thân với người khác. Để rèn luyện tư duy tích cực, tôi nghĩ ta nên bắt đầu suy nghĩ thấu đáo hơn khi sử dụng mạng xã hội.
Thứ nhất, ta cần rèn luyện tư duy phản biện để nhìn vấn đề nào cũng từ nhiều góc cạnh. Mạng xã hội là nơi những người sống ảo khoe mẽ định cư, tiếp xúc lâu ngày với hạng người này dễ làm ta nhục chí, tự ti. Việc tốt nhất là unfriend hoặc unfollow, tránh càng xa càng tốt. Bên cạnh một bộ phận nhỏ những người “sống ảo” thì phần đông mọi người thường chỉ đưa lên mạng những khoảnh khắc vui vẻ nhất, những bộ quần áo đẹp nhất, những trạng thái tốt nhất. Vì vậy, bạn không làm gì phải bỏ tâm trí vào so sánh cuộc sống của mình với họ.
Thứ hai, chọn lọc các nội dung hay và phù hợp với mình. Đa phần các video được đăng tải đều có kịch bản định hướng người xem, nhiều trong số đó cổ xúy cho các hành vi thù ghét, bạo lực,… Không phải ngẫu nhiên mà Web Drama, giang hồ mạng, sân si clip,…lại rất thịnh hành. Cùng làm chung nghề sáng tạo nội dung nhưng khi nhìn về mặt tối của social media khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, luôn có những page, group luôn tạo các giá trị tích cực như Thebravewriter, sẵn sàng tiếp lửa, trao gửi yêu thương nè.
Trân trọng giá trị bản thân
Hiểu và trân trọng bản thân là cách tốt nhất để tránh xa cảm xúc tiêu cực. Thay vì đứng núi này trông núi nọ, hãy dành nhiều thời gian cho bản thân. Rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần. Trau dồi thêm vốn sống, kiến thức, kỹ năng.
Tôi không biết mình sẽ đi tới vì sao nào. Nhưng tôi hiểu là vì sao tôi phải đi. Vì chính bản thân tôi, vì những người thương yêu của tôi. Nếu trên hành trình gặp được những người thành công đi trước tôi sẽ chúc mừng và học hỏi. Tôi ngừng so sánh. Tôi biết ơn.