Út: Anh Sen em chuẩn bị thực tập nè
Sen: Đã vậy, định làm gì đấy?
Út: Chắc Content Writer, bạn em đứa nào cũng vậy. Với thấy anh làm việc cũng nhàn
Sen: haha, ngồi xuống anh vẽ cho cái lộ trình.
Đầu tiên em phải tìm hiểu về ngành mình trước chứ ai lại đi chọn vì bạn em cũng chọn như vậy được? Em phải trả lời câu hỏi tại sao em muốn làm Content? Thông thường người ta theo nghề này vì 2 lý do:
- Có khiếu viết, sáng tạo
- Cơ hội nghề nghiệp lớn
Dù là lý do nào cũng đều tốt cả, nhưng trước khi quyết định mình nên cân nhắc các lựa chọn khác. Ngành Marketing rất rộng không chỉ có Digital, còn nhớ Marketing 4P chứ? Mà đừng lo quá, giờ đi thực tập thì cứ trải nghiệm trước xem coi phù hợp thì làm không thì nhảy qua mảng khác.
Út: Dạ em biết rồi, mà học Content bao lâu thì biết làm, một Content writer cần trang bị những gì ạ?
THỜI GIAN HỌC CONTENT
Cái này tùy, ai có tố chất thì học nhanh còn không học chậm. Hồi mới vào thì anh mất gần một tháng để viết chuẩn chỉnh một bài SEO, nhưng có đứa vài ngày là làm được. Content nó như thời trang vậy, rất nhiều loại như: Content Social, Content Web, Content quảng cáo, PR, Kịch bản, Email Marketing, Slogan, Tagline,… mỗi người có cái gu riêng, nên nếu trả lời mất bao lâu học content thì khó.
Viết là một kỹ năng, đã là kỹ năng thì tập được. Luyện content như luyện võ, 1 tuần, 1 tháng là nhớ hết được chiêu. Nhưng để thuần thục, thực chiến được thì phải tập hằng ngày vài năm sau mới mong đạt được thành tựu.
NỀN TẢNG CẦN CÓ CỦA MỘT CONTENT WRITER
Viết cho mình thì viết sao cũng được nhưng viết cho doanh nghiệp thì cần có nền tảng Marketing, cụ thể là tư duy – kiến thức – kỹ năng.
Tư duy Marketing
Content có giá trị khi truyền tải đúng nội dung đến một đối tượng cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp đạt một mục tiêu nào đó. Để làm được điều này người viết cần hiểu rõ chân dung khách hàng của mình là ai, hành vi khách hàng, thông điệp truyền thông,…nghe chuyên ngành thế thôi nhưng khi em làm sẽ hiểu.
Để rèn luyện tư duy Marketing ta cần nhìn sự vật, vấn đề dưới góc nhìn của người trong ngành. Khi xem một quảng cáo, khi đọc một bài viết mình cần chủ động đánh giá thông tin dưới nhiều góc độ, đặt câu hỏi cách triển khai nội dung của họ như thế nào? Mục đích, đối tượng mà bài viết hướng tới. Theo dõi những chuyên gia trong ngành mình cũng là một cách học nhanh, người đi trước thường có góc nhìn sâu sắc, tuy nhiên không bao giờ tin 100% vào một nhận định nào, tất cả đều có tính tương đối. Nhận định đúng nhất là nhận định phù hợp với mình, đây cũng là bí kíp chống bị lùa gà dắt mũi.
Các kiến thức cần trang bị
Mỗi người sẽ có thế mạnh riêng, dưới đây là một số dạng Content phổ biến trong ngành em có thể xem qua để tìm hiểu:
- Blogging/SEO
- Copywriting (ads copy, slogan, tagline, scripts,…)
- PR articles
- Marketing materials (brochures, flyers, standee, landing page, speech,…)
- Email/Newsletters
Nếu em làm cho Agency thì sẽ được trải nghiệm chuyên sâu vào một mảng. Ngược lại nếu làm cho Client thì hai tay múa đủ.
Sáng tạo là không gò bó, khuôn khổ, tuy nhiên cũng có vài công thức cho người mới bắt đầu viết mà em có thể tìm hiểu.
- AIDA công thức gối đầu giường cho Con Sen
- PAS đấm rồi xoa, dỗ dành, để em giúp anh chị
- 3S, 4C, 4P, FAB,…. tìm hiểu nhé.
Kiến thức về các nền tảng, nội dung đăng Web thì cần chuyên sâu, mang nhiều giá trị, chuẩn SEO để rank top. Nội dung cho Social thì cần thu hút, không vi phạm chính sách,…. clone nội dung, ăn cắp chất xám như thế nào cũng là xấu,… không nên làm như thế, ý anh là vậy. Thành thật ngành nào cũng có mặt tối, nên chuẩn bị trước tinh thần.
Để trau dồi kiến thức em có thể tự học hoặc đăng ký các khóa học của các chuyên gia trong ngành. Cái may mắn của ngành này là cộng đồng đông và nhiều người chia sẻ kiến thức. Một số nguồn free như:
- Các hội nhóm về Content: Tâm sự Con Sen. GenZ tập Viết Content, Tâm sự GenZ,…
- Các chuyên gia về Conten: Anh Phùng Thái Học, Dương Thị Thanh Ngân, Chị Linh Phan,Làn, Chà, Chị Hảo Nguyễn…
- Youtube Channel: Quán Trà Đá, Ngáo Content,..dưới comment còn nữa
- Nghe/Xem/Đọc các nội dung hay về nhiều chủ đề vừa giúp em tăng vốn từ vừa có thêm nhiều ý tưởng.
- Các nguồn khác: Hãy lập một list những người viết content hay mà em thích, theo dõi các fanpage hay về content marketing, youtube, tik tok, Instagram,…
Nhưng để hệ thống kiến thức một cách bài bản, làm việc có quy trình thì sau khi làm có tiền mình lại tái đầu tư. Mua sách, mua khóa học, tham gia các buổi Workshop, Webinar miễn phí hoặc trả phí.
Và dĩ nhiên cách rèn luyện tốt nhất chính là thực hành, vận dụng những kiến thức mình học được vào thực tế. Cách để viết hay chính là hay viết, viết mỗi ngày.
Kỹ năng cần có của một Content Writer
- Chắc chắn rồi, kỹ năng viết. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, để viết hay trước hết phải viết đúng (cả về cấu trúc câu và chính tả).
- Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian. Cái này nãy em nói này, có người nhàn có người bận, hơn thua nhau ở chỗ này, thiếu kỷ luật, không biết quản lý thời gian deadline nó đè thở hổng nổi.
- Kỹ năng sử dụng Tools, cái này không khó tới hồi làm vô vọc là biết.
- Kỹ năng thiết kế căn bản, thường thì content sẽ làm việc chung với designer hoặc tự thiết kế các ấn phẩm đơn giản. Vì vậy nếu có kiến thức về thiết kế sẽ dễ dàng trao đổi với các bên khi làm việc.
Mà nè, trên đây chỉ là chia sẻ cá nhân của anh Sen cho Út gà mờ hiểu tổng quan về ngành Content nha chứ không phải tất cả đâu. Nghề này nó rộng lắm, anh em mình còn phải học và làm nhiều.
-Dạ cảm ơn anh Sen, để em cân nhắc mấy nghề khác
-Uả mậy?